Categories

Dịch vụ nổi bật

Điều Trị Bệnh Béo Phì

PHẪU THUẬT NỘI SOI ĐẶT ĐAI DẠ DÀY ĐIỀU TRỊ BỆNH BÉO PHÌ

Đặng Tâm, BV Triều An Tp. HCM

Đặt đai dạ dày là một trong số các phương pháp can thiệp điều trị béo phì (bariatric surgery). Có nhiều phương pháp can thiệp điều tri béo phì như: đặt bóng lòng dạ dày, đặt đai dạ dày, tạo hình dạ dày đai đứng, cắt vạt dạ dày, nối tắt dạ dày, chuyển dòng mật tuỵ, các phương pháp phối hợp, … Đặt đai dạ dày có tác dụng giảm cân mạnh hơn đặt bóng lòng dạ dày nhưng yếu hơn các phẫu thuật giảm béo phì khác. Đổi lại, phẫu thuật này ít xâm hại, không thay đổi kiến trúc đường tiêu hoá, không gây giảm hấp thu, ít bị suy dinh dưỡng và thiếu vitamin, và đặc biệt là dễ phục hồi nguyên trạng. Để phẫu thuật mang lại hiệu quả tốt, cần có sự phối hợp đa chuyên ngành: ngoại khoa, nội khoa, tâm lý, dinh dưỡng, … và có chế độ chăm sóc trước-sau mổ chu đáo lâu dài.

Thế nào là béo phì và bệnh béo phì

Béo phì là tình trạng trọng lượng cơ thể cao hơn mức cân nặng lý tưởng. Để đánh giá mức độ béo phì, người ta dùng chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể – Body Mass Index). BMI là tỉ số giữa cân nặng (kilogam) và bình phương chiều cao (mét):

    • 18 < BMI < 25 kg/m2  :   cân nặng lý tưởng
    • 25 < BMI < 30: kg/m2 :   thừa cân
    • 30 < BMI 40 kg/m2  :   béo phì
    • 40 < BMI < 50 kg/m2  :   bệnh béo phì
    • BMI > 50 kg/m2         :   bệnh béo phì nặng

Béo phì không chỉ đơn giản là mập quá mức mà còn gây ảnh hưởng trầm trọng đến tình trạng sức khoẻ và các mặt hoạt động của cá nhân. Vì vậy, béo phì với BMI > 40 thật sự là một bệnh vì nó gây ra nhiều rối loạn trên hầu hết các bộ phận trong cơ thể và làm tăng nặng nhiều bệnh như tăng huyết áp, bệnh mạch vành, suy tim, thuyên tắc tĩnh mạch, đái tháo đường, tăng mỡ máu, thoái hoá khớp, cơn ngưng thở khi ngủ, trào ngược thực quản, sỏi túi mật, sỏi thận, rối loạn tiểu tiện, rối loạn chức năng gan, tăng tỉ lệ ung thư các cơ quan, … Hậu quả cuối cùng là người béo phì sẽ bị giảm tuổi thọ rất nhiều. Vì là bệnh nên việc điều trị bệnh béo phì được chấp nhận chi trả bởi cơ quan bảo hiểm y tế ở hầu hết các nước trên thế giới.

Điều trị béo phì như thế nào

Béo phì là bệnh toàn thân nên điều trị cần phải có sự kết hợp nhiều chuyên ngành như nội khoa, dinh dưỡng, tâm tý, ngoại khoa. Điều trị cơ bản nhất là tiết chế ăn uống và tăng cường vận động. Thuốc giảm cân được sử dụng cho người có BMI > 27 kg/m2. Thuốc giảm cân có thể có nhiều tác dụng phụ cần phải có sự theo dõi giám sát bởi bác sĩ chuyên khoa. Ngoài ra, hiện tại xuất hiện nhiều loại thực phẩm chức năng với mục đích giảm cân nhưng chủ yếu sử dụng cho những người thừa cân hoặc đóng vai trò hỗ trợ trong điều trị bệnh béo phì.

Nếu điều trị bằng thuốc, chế độ ăn kiêng và vận động không mang lại kết quả mong muốn, bệnh nhân sẽ được chỉ định các phương pháp can thiệp ngoại khoa. Các phương pháp can thiệp được xếp vào 3 loại sau:

  • Làm giảm lượng ăn: gồm có đặt bóng lòng dạ dày (intragastric balloon), đai dạ dày (adjustable gastric banding), tạo hình dạ dày đai đứng (vertical banded gastroplasty), cắt vạt dạ dày (sleeve gastrectomy).
  • Gây giảm hấp thu: chuyển dòng mật tuỵ (biliopancreatic diversion), nối tắt hỗng-hồi tràng (jejunoileal bypass).
  • Phối hợp 2 tác dụng: nối tắt dạ dày kiểu Roux-Y (Roux-en-Y gastric bypass), cắt vạt dạ dày kèm chuyển đổi tá tràng (sleeve gastrectomy + duodenal switch).

Các phương pháp làm giảm lượng ăn có tác dụng giảm cân yếu hơn nhưng ít nguy cơ suy dinh dưỡng hơn các phương pháp gây giảm hấp thu hay phương pháp phối hợp. Đặt bóng lòng dạ dày và đặt đai dạ dày là phương pháp ít xâm hại, ít biến chứng hơn cả và có thể phục hồi nguyên trạng dễ dàng. Do đó với trường hợp BMI không quá cao (35-50), yêu cầu khối lượng giảm cân không quá lớn, nên chọn một trong hai phương pháp đặt bóng hoặc đai dạ dày. Nếu thất bại có thể phục hồi nguyên trạng và thực hiện các phương pháp khác.

Phẫu thuật đặt đai dạ dày là gì? Là phẫu thuật nội soi ổ bụng đặt vào một đai thắt quanh dạ dày và một cổng điều chỉnh đặt dưới da bụng. Thiết bị này hoàn toàn tương thích về mặt sinh học, có thể đặt lâu dài trong cơ thể giúp người bệnh giảm cân hiệu quả. Ngoài ra, tuỳ theo đáp ứng của cơ thể người bệnh, có thể chủ động điều chỉnh mức độ thắt của đai, chỉ bằng một động tác tiêm vào cổng điều chỉnh đã đặt sẵn dưới da để tiêm thêm hoặc rút bớt dung dịch làm căng hoặc mềm đai. Ưu điểm so với các phẫu thuật khác là phẫu thuật này nhẹ nhàng, ít biến chứng và dễ dàng lấy bỏ để phục hồi nguyên trạng khi cần.

Phẫu thuật đặt đai dạ dày cũng như phẫu thuật giảm béo phì nói chung được chỉ định cho các bệnh nhân đủ các tiêu chuẩn sau đây:

  • BMI trên 40 hoặc

BMI 35 - 40 ở bệnh nhân có các bệnh cơ hội mà béo phì làm nặng thêm: Tăng huyết áp, đái tháo đường, thoái hoá khớp-viêm khớp, cơn ngưng thở khi ngủ.

  • Không đáp ứng điều trị dinh dưỡng.
  • Tình trạng tâm thần bình thường.
  • Hiểu rõ về phương pháp và kết quả phẫu thuật, tha thiết muốn phẫu thuật giảm cân.

Riêng đặt đai dạ dày có thể mở rộng chỉ định ở trường hợp BMI thấp hơn, cụ thể là BMI > 35 không có bệnh cơ hội hoặc BMI 30-35 ở bệnh nhân có bệnh cơ hội.

Các phẫu thuật giảm béo khác can thiệp quá nhiều kiến trúc đường tiêu hoá nên ít được bệnh nhân chấp nhận.

Không chỉ định phẫu thuật cho bệnh nhân < 18 tuổi, có thai, có chống chỉ định phẫu thuật nói chung

Phẫu thuật đặt đai dạ dày có hiệu quả thế nào?

Số cân trung bình giảm được sau 12 tháng là 35 Kg. Trong 10 năm bệnh nhân có thể giảm từ 25% đến 80% trọng lượng cơ thể. Tuy nhiên, không phải chỉ đơn giản một động tác đặt đai dạ dày là sẽ tha hồ giảm cân mà bệnh nhân còn phải được theo dõi chăm sóc toàn diện về ăn uống, vận động, điều trị các bệnh đi kèm, … để đạt được hiệu quả tối ưu. Khi trọng lượng cơ thể giảm, các bệnh kèm theo như tim mạch, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, bệnh khớp, … sẽ mau chóng được cải thiện.

Phẫu thuật này có thể gây một số biến chứng và tác dụng không mong muốn nhưng với tỉ lệ (7%) thấp hơn rất nhiều so với các phẫu thuật khác (18-38%). 

Kết luận

Phẫu thuật nội soi đặt đai dạ dày trong điều trị béo phì là phẫu thuật ít xâm hại và có thể dễ dàng phục hồi nguyên trạng. Cũng như các phẫu thuật điều trị béo phì khác, bệnh nhân phẫu thuật đặt đai dạ dày cần phải được chuẩn bị kỹ trước mổ về tâm lý, thể chất, kiến thức, thái độ và có chế độ chăm sóc theo dõi chặt chẽ sau mổ để phát huy tác dụng điều trị, giảm thiểu biến chứng và những tác dụng ngoại ý.

 

BN Phương T N trước mổ và sau mổ 2 năm